Còn quá sớm để coi Covid-19 là bệnh thông thường

Theo các chuyên gia, thời điểm Covid-19 trở thành bệnh thông thường tại Việt Nam rất khó dự đoán do khả năng xuất hiện biến chủng mới gây áp lực hệ thống y tế.

“Việt Nam từng bước mở cửa để bình thường hóa trở lại nhưng còn quá sớm để coi Covid-19 là bệnh thông thường”, tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Tri Thức (Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy) cho biết.

Covid-19 đang được Bộ Y tế xếp vào nhóm A – nhóm các bệnh truyền nhiễm đặc biệt nguy hiểm có khả năng lây truyền rất nhanh, phát tán rộng, tỷ lệ tử vong cao hoặc chưa rõ tác nhân gây bệnh. Cùng nhóm này còn có các bệnh cúm A – H5N1, dịch hạch, đậu mùa, sốt xuất huyết, tả…

Trong khi đó, một bệnh dịch được coi là bệnh thông thường (còn gọi là bệnh đặc hữu) khi nó lưu hành ổn định trong cộng đồng, theo nghĩa có thể dự đoán được số lượng ca nhiễm ở mỗi thời điểm nhất định. Bên cạnh đó, bệnh cần tạo miễn dịch cộng đồng (gồm miễn dịch tự nhiên và độ bao phủ vaccine), đồng thời ngành y tế có khả năng khống chế được dịch.

Theo tiêu chí này, bác sĩ Nguyễn Tri Thức cho rằng hiện tại số ca mắc mới tăng nhanh (riêng ngày 18/2 ghi nhận hơn 42.000 ca nhiễm) và chưa dự đoán được số bệnh nhân thời gian tới sẽ thế nào. Tình trạng này có khả năng tạo ra biến chủng mới, có thể chủng độc lực cao nguy cơ gây vỡ trận y tế. Do vậy chưa thể xem Covid-19 là bệnh thông thường.

Cùng quan điểm, Phó giáo sư, tiến sĩ Trần Đắc Phu (nguyên cục trưởng Y tế dự phòng, Bộ Y tế – Cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam) cho rằng không thể đưa Covid-19 ra khỏi danh sách bệnh truyền nhiễm nhóm A lúc này và coi nó như một bệnh truyền nhiễm thông thường, bởi vẫn nguy cơ gây quá tải hệ thống y tế.

Sau Tết Nguyên đán, số ca mắc mới trên cả nước đang dần tăng. Số ca nhiễm tăng dẫn đến F0 chuyển nặng và nhập viện tăng, gây áp lực cho hệ thống y tế. Theo ông Phu, hiện tỷ lệ chuyển nặng và tử vong trên cả nước thấp so với tỷ lệ lây nhiễm (80-90 ca tử vong một ngày), song “vẫn là mất mát rất lớn”. Bên cạnh đó, đại dịch xuất hiện những biến chủng mới (như Omicron) lây lan rất nhanh, một người có thể lây cho hàng chục người, người tiêm đủ vaccine vẫn nhiễm và người trẻ tuổi vẫn có nguy cơ trở nặng.

Bác sĩ điều trị, chăm sóc người mắc Covid-19 nặng tại Trung tâm hồi sức Covid-19 đặt tại Bệnh viện Ung bướu TP HCM cơ sở 2, tháng 9/2021. Ảnh:Quỳnh Trần

Bác sĩ điều trị bệnh nhân nặng tại Trung tâm hồi sức Covid-19, Bệnh viện Ung bướu TP HCM cơ sở 2, tháng 9/2021. Ảnh: Quỳnh Trần

Trả lời VnExpress, Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn cho biết Bộ Y tế đang giao các đơn vị nghiên cứu, xem xét có nên đưa Covid-19 ra khỏi danh sách bệnh truyền nhiễm nhóm A. Để coi Covid là bệnh thông thường, cần chuẩn bị vaccine, thuốc và các biện pháp phòng ngừa.

Các chuyên gia cho rằng cần xem xét tình hình dịch bệnh trong vài tháng nữa mới có thể quyết định, khi tỷ lệ bao phủ vaccine trên thế giới cũng như trong nước đạt mức cao, thêm nhiều thuốc đặc trị virus để người dân dễ dàng tiếp cận thuốc khi mắc bệnh.

Việc Bộ Y tế vừa cấp phép khẩn cấp ba loại thuốc chứa hoạt chất molnupiravir điều trị Covid-19 do doanh nghiệp Việt Nam sản xuất được đánh giá là động thái “rất ý nghĩa”. Từ nay, Việt Nam có thể tự túc thuốc kháng virus – vũ khí chủ lực trong cuộc chiến chống Covid-19, chủ động tiến trình thoát đại dịch.

Theo Phó giáo sư Đỗ Văn Dũng (Trưởng Khoa Y tế Công cộng, Đại học Y dược TP HCM), bên cạnh thuốc điều trị, tỷ lệ bao phủ vaccine ngày càng tăng sẽ tạo miễn dịch cộng đồng – là điều kiện để Covid trở thành bệnh thông thường. Hiện, Bộ Y tế ghi nhận 70,2 triệu người (tương đương 99,8% dân số trên 18 tuổi) được tiêm vaccine mũi một; 67,8 triệu người tiêm mũi hai (96,4% dân số); 1,3 triệu người tiêm mũi ba; hơn 7,9 triệu trẻ trong nhóm 12-17 tuổi hoàn thành liệu trình hai mũi vaccine; hơn 20 triệu liều khác đang được đặt mua dự kiến tiêm cho trẻ 5-11 tuổi. “Khi khoảng 90% người dân trở lên đã được tiêm đủ liều vaccine thì bệnh Covid sẽ tương đối ổn”, ông Dũng nói.

Dù vậy, các chuyên gia khuyến cáo người dân không nên chủ quan coi Covid-19 như bệnh cúm mùa, tuân thủ các biện pháp phòng ngừa là tiêm chủng, biện pháp 5K (khẩu trang – khoảng cách – khử khuẩn – khai báo y tế – không tụ tập); tự test nhanh tại nhà khi có dấu hiệu nhiễm, khai báo và điều trị. Người bệnh nền, tuổi cao hoặc chưa tiêm vaccine chủ động bảo vệ bản thân. Các địa phương nâng cao cảnh giác, đặc biệt với biến chủng Omicron, không chủ quan trong phòng chống dịch.

Theo Bangkok Post, thư ký thường trực Bộ Y tế công cộng Thái Lan Kiattiphum Wongrajit, cho biết nước này lên kế hoạch tuyên bố Covid-19 là bệnh đặc hữu trước cuối năm nay dựa trên các tiêu chí có thể chấp nhận được về mặt học thuật, bao gồm không quá 10.000 ca nhiễm mới mỗi ngày, tỷ lệ tử vong không vượt 0,1% và hơn 80% số người có nguy cơ mắc bệnh đã được tiêm hai liều vaccine.

Nhiều nước như Anh, Mỹ, Thụy Điển, Đan Mạch cũng đang mở cửa hoặc dỡ bỏ các biện pháp hạn chế cuối cùng, xu hướng dần coi Covid-19 là bệnh đặc hữu. Thủ tướng Anh Boris Johnson thông báo kế hoạch không yêu cầu F0 cách ly. Na Uy hủy nhiều biện pháp phòng ngừa Covid-19 từ ngày 1/2. Đan Mạch hồi tháng 1 công bố “Covid-19 không còn được phân loại là căn bệnh nghiêm trọng của xã hội”. Thuỵ Điển tuyên bố đã thoát đại dịch.

Trong khi đó, Trung Quốc vẫn kiên trì theo đuổi chiến lược “zero Covid”, áp đặt các biện pháp phong tỏa nghiêm ngặt, chặt chẽ. Hiện số ca nhiễm nước này thấp, song khả năng miễn dịch cộng đồng không cao.

Hồi cuối tháng 1, Covid-19 đã cướp đi mạng sống của khoảng 64.000 người trên thế giới mỗi tuần. “Học cách sống chung với virus không có nghĩa là thỏa hiệp khi số người chết lớn đến vậy. Các nước có thể bắt đầu xử lý Covid-19 như mầm bệnh đặc hữu vào thời điểm khác nhau, dựa trên mức độ miễn dịch cộng đồng của họ”, Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus cho biết.

Theo báo vnexpress đưa tin!

Bài viết liên quan

0
GIỎ HÀNG CỦA BẠN